Quy Hoạch Tỉnh Quảng Ninh
QUY HOẠCH TỈNH QUẢNG NINH
Thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, Quảng Ninh là một trong những tỉnh thành có tốc độ phát triển nhanh và mạnh mẽ bậc nhất trong những năm vừa qua với nhiều thành tựu về kinh tế xã hội và đặc biệt là du lịch. Có được sự phát triển đó cũng là nhờ chính sách quy hoạch của tỉnh đã làm rất tốt, trong những năm sắp tới, tỉnh Quảng Ninh sẽ có thêm những định hướng mới nào cho quy hoạch, cùng Reviewland cập nhật ngay qua bài viết này nhé!
|
LỢI THẾ NỔI BẬT CỦA TỈNH QUẢNG NINH
Quảng Ninh là tỉnh ven biển thuộc vùng Đông Bắc, đây được ví như một Việt Nam thu nhỏ vì ở nơi đây có nhiều loại hình tự nhiên sinh thái rất đa dạng, có biển đảo, có đồng bằng và cũng có cả những đồi núi cao và vừa, trung du miền núi và biên giới. Đây cũng là một trong những vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc giao với vùng duyên hải Bắc Bộ. Nhắc đến Quảng Ninh không thể không nhắc đến tỉnh thành có trữ lượng than đá giàu có và cũng là tỉnh thành có sản lượng khai thác than đá lớn nhất vùng đồng bằng Bắc Bộ. Không chỉ vậy, những năm gần đây, Quảng Ninh còn là điểm đến du lịch nổi tiếng, thu hút đông đảo khách du lịch bốn phương với nhiều cảnh quan du lịch đẹp, những danh lam thắng cảnh lớn, nổi tiếng nhất là Vịnh Hạ Long với sự mở rộng nhiều hình thức thương mại du lịch đã trở thành tâm điểm thu hút du khách từ khắp mọi miền trên Tổ quốc. Có thể nói, cùng với kinh tế và xã hội, du lịch đã góp phần giúp cho Quảng Ninh thay đổi, điều đó cũng chứng tỏ đây cũng là tỉnh thành có tiềm năng về du lịch rất lớn, chắc chắn sẽ còn phát triển hơn trong tương lai.
Là một đầu tàu của vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, đồng thời là một trong bốn trung tâm du lịch lớn của đất nước, Quảng Ninh chính là nơi hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, và thực tế đã cho thấy kinh tế Quảng Ninh trong những năm qua đã có nhiều bước phát triển mạnh mẽ. Năm 2018, tốc độ tăng trưởng đạt 11,1%, thu nhập bình quân gấp 2 lần bình quân chung của cả nước, đứng trong nhóm 7 địa phương dẫn đầu lượng thu ngân sách, nhiều khu công nghiệp mới được xây dựng tại đây đã góp phần đẩy mạnh sự phát triển, đồng thời thu hút nhiều nhà đầu tư và công ty lớn đến với vùng than mỏ quý hiếm này.
Và đương nhiên, hệ thống giao thông ở đây cũng được xếp vào thứ hạng đồng bộ và hiện đại bậc nhất. Đường bộ có rất nhiều tuyến quốc lộ tổng cộng dài đến gần 570km, có thể kể đến một số đường quốc lộ như QL18A, 18B, 18C, QL10, QL4 và QL279, 17B. Tỉnh lộ có 16 tuyến với chiều dài lên đến hơn 400km. Ngoài ra cũng có rất nhiều tuyếnđường cao tốc như Hạ Long – Hải Phòng; cao tốc Hạ Long – Vân Đồn và cao tốc Móng Cái – Vân Đồn. Nhiều bến xe khách đã được đưa vào hoạt động để phục vụ việc giao thông di chuyển. Về đường thủy, Quảng Ninh có 213 cảng biển gồm 59 bến cảng và 103 bến nội địa, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa và cả phục vụ khách du lịch, hệ thống cảng biển đa dạng chính là một lợi thế rất lớn của tỉnh. Loại hình đường sắt cũng đang xây dựng một tuyến đường sắt cấp quốc gia nối từ Bắc Giang đến Uông Bí, trong tương lai sẽ hoàn thành và phục vụ đông đảo cư dân trên địa bàn.
CHÍNH SÁCH QUY HOẠCH TỈNH QUẢNG NINH
Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thể hiện được quan điểm đổi mới mạnh mẽ tư duy phát triển, nhất là tư duy phát triển bền vững về bảo tồn và phát huy các giá trị di sản; tư duy về phát huy tối đa, hiệu quả các tiềm năng, lợi thế riêng có, khác biệt, từ đó tạo sự thống nhất cao trong nhận thức về hành động của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương, cộng đồng dân cư, doanh nghiệp về mô hình và phương thức phát triển đặc sắc của Quảng Ninh, nhất là quá trình chuyển đổi mô hình từ “nâu” sang “xanh” đang mang lại hiệu quả to lớn, rõ nét. Tiếp tục nghiên cứu quan điểm phát triển không gian của tỉnh theo hướng “Một tâm – Hai tuyến – Đa chiều” với “Hai mũi đột phá” là khu kinh tế Vân Đồn và khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái; khu kinh tế Quảng Yên là hạt nhân, động lực tăng trưởng mới của tuyến phía Tây… phù hợp với chiến lược, quy hoạch.
Ban lãnh đạo cũng khẳng định quan điểm phát triển dựa vào thiên nhiên, con người, văn hóa kết hợp với xu thế hòa bình, hợp tác, hội nhập, cơ hội mới và công nghệ mới của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại và tham gia sâu rộng, có hiệu quả vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu… Thiên nhiên phải được bảo vệ, bảo tồn (rừng, di sản…), phát triển văn hóa con người Quảng Ninh phải có chiều sâu hơn, bản sắc văn hóa phải được giữ gìn.
Đồng thời kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế nhanh, bền vững với phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh; bảo đảm quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội và chủ quyền biên giới; bảo đảm an sinh xã hội thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, nâng cao mức sống của người dân; bảo đảm công bằng và phát triển hài hòa giữa thúc đẩy đô thị hóa với xây dựng nông thôn, văn minh, nông dân giàu có; bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Nguồn: https://reviewland.vn/tin-tuc/bat-dong-san/quy-hoach-tinh-quang-ninh/